Nhân vật tiêu biểu [ Đăng ngày (08/12/2021) ]
Bernhard Riemann: Người xây nền tảng hình học về không gian cong
Albert Einstein đã thay đổi quan niệm của chúng ta về vũ trụ khi ông công bố thuyết tương đối rộng vào năm 1915, trong đó ông đề xuất khái niệm về không – thời gian bốn chiều uốn cong theo khối lượng hoặc năng lượng.

Nền tảng hình học cho thuyết tương đối của Einstein được xây dựng trước đó khoảng 60 năm, bắt nguồn từ công trình của nhà toán học Georg Friedrich Bernhard Riemann.

Bernhard Riemann sinh ra tại Đức vào năm 1826. Ông là con thứ hai trong số sáu người con của một mục sư theo giáo phái Lutheran. Lúc còn nhỏ, ông khá nhút nhát nhưng có năng khiếu về toán học. Tại trường trung học ở Hannover, kiến thức của ông đôi khi vượt qua cả các giáo viên.

Năm 1846, gia đình của Riemann gom góp đủ tiền để gửi con trai đến Đại học Göttingen, nơi ông ban đầu dự định học thần học. Nhưng sau khi tham dự các bài giảng của Carl Friedrich Gauss và Moritz Stern, ông nhận thấy niềm đam mê thực sự của mình và quyết định thay đổi lĩnh vực nghiên cứu. Năm 1847, ông chuyển đến Đại học Berlin để theo học một số nhà toán học lỗi lạc đương thời.

Năm 1849, Riemann quay trở lại Đại học Göttingen để tham gia chương trình đào tạo tiến sĩ dưới sự hướng dẫn của Gauss. Ông hoàn thành luận án của mình vào năm 1851 về lý thuyết biến số phức, đặt nền móng cho cái mà ngày nay chúng ta gọi là bề mặt Riemann. Gauss mô tả Riemann là người có “sự độc đáo tuyệt vời” trong báo cáo về luận án.

Hai năm sau, khi Riemann cần phải thực hiện một bài thuyết trình để giành được vị trí giảng viên tại Đại học Göttingen, Gauss đã giao cho cậu học trò tài năng của mình đề tài về cơ sở của hình học – một chủ đề khá hóc búa đối với một nhà toán học trẻ như Riemann.

Riemann đã không làm người cố vấn của mình thất vọng. Mặc dù mắc chứng sợ nói trước đám đông, ông vẫn cố gắng trình bày một lý thuyết về các chiều không gian cao hơn [hoặc không gian đa chiều] trong bài thuyết trình với tựa đề “On the Hypotheses Which Lie at the Foundations of Geometry” vào ngày 10/6/1854. Trong đó, ông mô tả cách thức người ta có thể đo độ cong của không gian. Công trình này không được xuất bản cho đến hai năm sau khi ông qua đời, và ngày nay trở thành một trong những công trình quan trọng nhất về hình học.

Bài thuyết trình của Riemann gồm hai phần. Đầu tiên, câu hỏi về cách chúng ta có thể xác định một không gian n chiều đã dẫn đến định nghĩa của ông về không gian Riemann, bao gồm tenxơ độ cong Riemann. Trong phần thứ hai, Riemann đã thảo luận về chiều của không gian thực và người ta nên sử dụng loại hình học nào để mô tả nó.

Các ý tưởng của Riemann mới mẻ và đột phá đến mức chỉ có thiên tài toán học Gauss mới đánh giá được đầy đủ sự sâu sắc của chúng. Gauss đã vận dụng ý tưởng của Riemann để xây dựng lý thuyết bề mặt trong không gian hai chiều, giúp đánh giá độ cong một cách chính xác về mặt toán học. Trong một bức thư gửi nhà toán học Ferdinand Schweikart vào năm 1824, Gauss chia sẻ rằng độ cong của không gian có thể tồn tại. Ông thừa nhận: “Đôi khi tôi nghĩ rằng hình học Euclid không chính xác”.

Gauss đã chứng minh cần có một số duy nhất để mô tả độ cong gần một điểm trong không gian hai chiều (độ cong Gauss). Riemann đã mở rộng khái niệm này cho không gian với bất kỳ số chiều nào. Ông chứng minh người ta cần 6 số để mô tả độ cong của bất kỳ điểm nào trong không gian ba chiều và 20 số cho không gian bốn chiều.

Riemann tiếp tục có những đóng góp giá trị về toán giải tích, lý thuyết số, lý thuyết đa tạp phức (complex manifold) và các nhánh toán học khác. Năm 1857, ông xuất bản công trình nghiên cứu về các hàm abel, cũng như mở rộng ý tưởng về các tính chất tôpô của bề mặt Riemann.

Riemann trở thành giáo sư tại Đại học Göttingen vào năm 1859 và được bầu vào Viện Hàn lâm Khoa học Berlin.

Năm 1862, ông kết hôn với một người bạn của em gái mình. Tuy nhiên, hạnh phúc cá nhân của Riemann chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Đến cuối năm, ông bị cảm lạnh nghiêm trọng và phát triển thành bệnh lao. Ông trải qua mùa đông năm đó trong vùng khí hậu ấm hơn ở Sicily (Ý), nhưng không thể hồi phục hoàn toàn. Ông qua đời vào ngày 20/7/1866, hưởng thọ 39 tuổi.

Một số người phỏng đoán rằng người quản gia trong lúc thu dọn đống lộn xộn trong văn phòng của Riemann sau khi ông qua đời có thể đã vứt bỏ một số công trình ông chưa xuất bản.

Ngay cả sau khi mất, ảnh hưởng của Riemann đối với toán học và vật lý vẫn không hề bị giảm sút. “Các nhà vật lý sống cùng thời với Riemann thậm chí chưa thể theo kịp những ý tưởng mới về không gian của ông ấy”, Einstein nhận xét.

Riemann là một trong số các nhà toán học có ảnh hưởng lớn nhất vào giữa thế kỷ 19. Các công trình của ông đều mở ra những hướng nghiên cứu mới kết hợp giải tích và hình học, bao gồm lý thuyết hình học Riemann, hình học đại số và lý thuyết về đa tạp phức. Hiện tại, các nhà toán học vẫn liên tục tìm ra những ứng dụng khác từ những ý tưởng ban đầu của Riemann.

“Nếu Riemann sống thêm 20 hoặc 30 năm nữa, ông ấy sẽ trở thành Newton hoặc Einstein của thế kỷ 19”, nhà toán học Eric Temple Bell nhận định.

Ngoài Einstein, những đóng góp to lớn của Riemann đối với hình học đã truyền cảm hứng cho Lewis Carroll viết tác phẩm “Alice in Wonderland và Through the Looking Glass” (Alice ở xứ sở thần tiên và thông qua gương soi). Lewis Carroll là bút danh của giáo sư toán học Charles Dodgson tại Đại học Oxford.

Dodgson thực chất là một người tôn sùng hình học Euclid truyền thống và ưa tích không gian bằng phẳng. Ở nhiều khía cạnh, sự phi lý của thế giới tưởng tượng mà ông tạo ra cho Alice đã phản ánh sự thay đổi trong nền tảng kiến thức toán học vào cuối thế kỷ 19, trong đó các học giả bắt đầu đắm chìm trong một thế giới với không gian cong và các số ảo (số phức).

Riemann là một trong số các nhà toán học có ảnh hưởng lớn nhất vào giữa thế kỉ 19. Các công trình ông đều mở ra những hướng nghiên cứu mới kết hợp giải tích và hình học, bao gồm lý thuyết hình học Riemann, hình học đại số và lý thuyết về đa tạp phức.

Quốc Lê (Theo APS Physics)
Theo https://khoahocphattrien.vn (ntptuong)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Tin mới
Phát hiện mới: Uống cà phê đúng cách có thể giúp kéo dài tuổi thọ
Viện Nghiên cứu Tim mạch và Tiểu Đường Baker (Úc) đã phát hiện uống cà phê xay, cà phê hoà tan và cà phê không chứa caffein có thể kéo...
TECHFEST thúc đẩy khởi nghiệp một số lĩnh vực có thế mạnh
Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia (TECHFEST) sẽ được phối hợp tổ chức cùng Tuần lễ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo Thành phố Hồ...
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tiếp chuyên gia hàng đầu thế giới về chuyển đổi số
Sáng 8/11, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã tiếp GS. David Rogers của Trường Kinh doanh Columbia (Hoa Kỳ) - một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới...
Thúc đẩy hợp tác quốc tế về chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế
Nhằm tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và Australia trong lĩnh vực y tế, Hội Quân dân y Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu đổi mới y...
Giải thưởng Tạ Quang Bửu mở rộng xét tặng lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn
Từ năm 2023, Giải thưởng Tạ Quang Bửu sẽ mở rộng việc xem xét trao giải thưởng cho các nhà khoa học nghiên cứu cơ bản thuộc lĩnh vực khoa...
Tỉnh đoàn Lạng Sơn hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp
Vừa qua , tại thành phố Lạng Sơn, Tỉnh đoàn Lạng Sơn tổ chức vòng Chung kết cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp” trong đoàn viên thanh niên tỉnh Lạng...
Đa dạng sinh học bị suy giảm do con người: Việt Nam trong top 3 châu Á
Các hoạt động của con người như mở rộng đất trồng trọt hoặc định cư đã gây ra mối đe dọa trên quy mô lớn đối với đa dạng sinh...
Biến đổi khí hậu có thể ảnh hưởng đến não bộ?
Một yếu tố mới của những tác động không thể lường hết của biến đổi khí hậu đang xuất hiện – sự ấm lên toàn cầu đang tác động đến...
Việt Nam có nhiều tiềm năng, cơ hội lớn phát triển chất bán dẫn với Hoa Kỳ
Việc Việt Nam và Hoa Kỳ chính thức nâng tầm quan hệ lên mức Đối tác chiến lược toàn diện sẽ tạo cơ hội để khởi động những lĩnh vực...
Bảo tồn đa dạng sinh học Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung
Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Nung đang quản lý, bảo vệ 23.296,47ha diện tích tự nhiên, nằm trên địa giới hành chính 10 xã, thuộc 3 huyện Đắk Song;...
Ứng dụng VssID - Bảo hiểm xã hội số: Ngày càng hoàn thiện, tiện ích
Sau 3 năm đưa vào hoạt động, ứng dụng VssID - bảo hiểm xã hội (BHXH) số của BHXH Việt Nam không ngừng được nâng cấp, hoàn thiện, bổ sung...
Trao Giải thưởng khoa học và công nghệ dành cho sinh viên toàn quốc năm 2023
Chiều nay (10/11), tại Đà Nẵng, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức trao giải thưởng khoa học và công nghệ dành...
Trí tuệ nhân tạo - tương lai của ngành bệnh học tim?
Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong đánh giá và điều trị bệnh tim là một trong những vấn đề được thảo luận sôi nổi nhất tại Hội nghị...
Chiến lược, chính sách phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo
Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, định hướng cho phát triển và ứng dụng...
An toàn vận hành lò hơi” (An toàn lao động nhóm 3)
Nhằm cung cấp các kiến thức về kỹ thuật an toàn trong vận hành, bảo trì và sử dụng thiết bị lò hơi cho người quản lý, nhân viên làm...



© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->